Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Các bước chuẩn bị khi xây nhà giúp bạn không bỡ ngỡ

Ngôi nhà là nơi đón ta trở về sau những khó khăn và mệt nhọc của một ngày làm việc vất vả, là nơi để ta thưởng thức những phút bình yên, nghỉ ngơi, thư giãn với gia đình. Từ xa xưa, cha ông ta đã có câu "Tậu trâu, cưới vợ, xây nhà". Qua đó có thể nhận thấy tầm quan trọng vô cùng của việc xây dựng nơi ở của mỗi người. Một ngôi nhà lý tưởng đòi hỏi 4 yếu tố chính: tính thẩm mỹ, tính tiện dụng, tính kinh tế và tính bền vững.

Để giúp các bạn có được một ngôi nhà như ý, chúng tôi xin đưa ra các bước chính sau:

- Bước 1: Chọn mua đất.

- Bước 2: Chuẩn bị các thủ tục pháp lý.

- Bước 3: Chọn nhà tư vấn thiết kế xây dựng.

- Bước 4: Hoàn thiện hồ sơ xây dựng, lựa chọn nhà thầu xây dựng.

- Bước 5: Các thủ tục cúng lễ chuẩn bị khởi công.

- Bước 6: Chuẩn bị mặt bằng.

- Bước 7: Xây dựng phần thô.

- Bước 8: Giai đoạn hoàn thiện.

- Bước 9: Sản xuất, lắp đặt nội thất.

- Bước 10: Sử dụng và các vấn đề bảo dưỡng trong quá trình sử dụng.


Bước 1: Chọn mua đất

Một mảnh đất đẹp phải hội tụ được các điều kiện:

- Môi trường sống tốt: dân trí cao, hạ tầng điện nước, đường sá đầy đủ, không gian thoáng mát, khu vực địa chất tốt, an ninh tốt, không quá xa nơi các thành viên trong gia đình đi học hay đi làm,...

- Đất có giá trị pháp lý: sổ hồng (sổ đỏ) hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương.

- Hợp về mặt phong thuỷ.


Bước 2: Chuẩn bị các thủ tục pháp lý

Để được phép xây dựng, phải đảm bảo đủ các điều kiện:

- Khu đất phải được công nhận về mặt pháp lý (GCNQSD đất hoặc GCNQSD đất và QSH tài sản gắn liền đất do CQNN có thẩm quyền cấp) và được cấp phép xây dựng.

- Trường hợp đất dự án thì phải được BDA cấp phép xây dựng dựa trên quy hoạch chi tiết 1/500 của toàn dự án đã được CQNN có thẩm quyền phê duyệt.

- Phải có hồ sơ thiết kế XPXD của đơn vị có tư cách pháp nhân & có chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế công trình

- Đối với nhà ở không thuộc đất dự án, sau khi có giấy phép xây dựng thì phải lập điểm báo xây dựng và báo cáo UBND phường sở tại kế hoạch xây dựng.

Bước 3: Chọn nhà tư vấn thiết kế

Chọn nhà tư vấn thiết kế có đầy đủ năng lực, có uy tín.

Vai trò nhà tư vấn:

- Tư vấn các công việc chuyên môn trong công trình phù hợp điều kiện thực tế, yêu cầu sử dụng của mỗi thành viên, khả năng tài chính của gia đình.

- Lập hồ sơ thiết kế thi công, dự toán chi phí và tiến độ thực hiện cho công trình.

Bước 4: Hoàn thiện hồ sơ xây dựng, lựa chọn nhà thầu xây dựng

Chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, có uy tín, nhân lực phù hợp, có kinh nghiệm.

Vai trò của nhà thầu xây dựng: làm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, thời gian thi công nhanh, thực hiện tốt an toàn lao động.

Hiện nay, để thuận tiện cho chủ nhà, www.truonganh.net có thực hiện bộ tư vấn xây dựng trọn gói "chìa khoá trao tay": tiết kiệm thời gian cho chủ nhà, thiết kế và XD mang tính đồng nhất.

Trước và trong khi tiến hành thi công, chủ nhà cần thương thảo với hàng xóm về những ảnh hưởng liên quan trong quá trình xây dựng, tuân thủ các quy định của địa phương về an ninh, trật tự lòng lề đường, vệ sinh công cộng.

Bước 5: Các thủ tục cúng lễ chuẩn bị khởi công.

Ông bà ta có nói " Có kiêng có lành": trước khi khởi công XD cần chọn ngày giờ tốt, giờ hoàng đạo, hợp tuổi gia chủ, hợp với xây cất để làm lễ động thổ xin phép làm nhà may mắn tốt lành.

- Trình tự và phẩm vật cúng tuỳ theo tập tục địa phương, tốt nhất gia chủ nên tham khảo người am hiểu về phong thuỷ, địa lý và các bậc cao niên.

- Sau khi làm lễ, gia chủ (hoặc người hợp tuổi) là người cầm cuốc bổ những nhát đầu tiên, trình với Thổ thần xin được động thổ, tiếp sau đó mới cho thợ đào.

Bước 6: Chuẩn bị mặt bằng.

- Việc chuẩn bị mặt bằng bao gồm: làm sạch, phát quang mặt đất; giải toả nhà & kết cấu XD cũ, vận chuyển phế thải đổ đi.

- Thuê và dọn nhà sang chỗ ở tạm nếu xây dựng trên nền nhà cũ.

- Tập kết vật liệu, lán trại cho công nhân, hàng rào che chắn công trình.

- Nguồn điện, nước phục vụ việc xây dựng.

- Công tác chuẩn bị mặt bằng thường không thể hiện trong hồ sơ thiết kế, vì vậy công tác này phải được thoả thuận thống nhất do bên nào thực hiện.

Bước 7: Xây dựng phần thô.

Xây dựng phần thô gồm các công việc xây dựng phần chân đế và bộ khung chính công trình:

- Công tác làm nền móng bao ồm: đào đất, hút nước ngầm, đổ đất thừa, be thành đất, gia cố nền (đóng cọc BTCT hoặc cừ tràm), gia công thép móng và đổ bê tông móng. Móng nhà dân dụng thường là: móng đơn (móng cóc), móng băng, móng bè (thường cho công trình lớn hoặc nhà có tầng hầm).

- Phần khung nhà gồm 5 thành phần chính: cột nhà, dầm nhà, bản sàn, tường nhà & cầu thang.

- Đan thép, ghép cốp pha phải theo đúng yêu cầu bản vẽ kết cấu & quy chuẩn XD.

- Rút cốp pha cần lưu ý thời gian ngưng kết của bêtông phải đủ tuổi.

- Xây tường thẳng, đều, vữa đủ độ kết dính & chống thấm ướt.

- Lắp đặt các cấu kiện ngầm và các ống bảo hộ ngầm.

- Mac bê tong và Mac vữa phải theo hồ sơ thiết kế và tuân theo TCXD Việt Nam.

Bước 8: Giai đoạn hoàn thiện.

Giai đoạn hoàn thiện gồm: trát tường, láng sàn, ốp lát, sơn bả tường, lắp đặt trần, cầu thang, lắp đặt HTKT điện, cấp thoát nước, điện thoại, chống sét,... Một số yêu cầu cơ bản khi thi công:

- Công tác trát tường, láng sàn: trộn vữa theo đúng tỷ lệ quy định trong hồ sơ TKKT.

- Việc ốp lát gạch theo đúng tiêu chuẩn quy định của nhà SX. Mạch gạch cần đều, các viên gạch thẳng nhau, không được xô lệch, nghiêng ngả.

- Chọn sơn cần chọn loại phù hợp với mỗi bề mặt, chất liệu & vị trí cần sơn.

- Làm mộc: cửa,cầu thang, bếp…

- Công tác lắp đặt điện, nước & các thiết bị KT: tuân thủ theo đúng bản vẽ kỹ thuật & hệ thống tiêu chuẩn XDVN.

Bước 9: Sản xuất, lắp đặt nội thất.

Sauk hi hoàn thiện và tiến hành kiểm tra chất lượng công trình, tiếp theo là giai đoạn hoàn thiện lắp đặt nội thất và trang thiết bị.

- Vật dụng nội thất và trang thiết bị được lắp đặt theo hồ sơ thiết kế.

- Đồ nội thất thể hiện phong thái của căn nhà. Mỗi phòng cần có tông màu nội thất khác nhau, phù hợp với mục đích sử dụng của phòng. Chất liệu của đồ nội thất cũng cần được chọn lựa kĩ lưỡng.

Bước 10: Sử dụng & các vấn đề bảo dưỡng trong quá trình sử dụng.

Sau khi hoàn tất, căn nhà được đưa vào sử dụng theo mục đích thiết kế ban đầu.

Việc sử dụng sai mục đích sẽ làm biến đổi các thành phần cấu kiện dễ dẫn đến những hư hỏng khó lường. Trong quá trình ở, cần thường xuyên bảo dưỡng, chú ý các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng căn nhà như: thời tiết, công năng sử dụng, tác động các công trình kề bên.